3 câu chuyện thành công điển hình
từ chiến lược dữ liệu lớn
(Theo sách
Data Strategy của Bernard Marr, Huỳnh Hữu Tài dịch)
Amazon, và làm thế nào dữ liệu có thể tối ưu các quá trình kinh
doanh để tăng doanh thu
Chúng ta đều biết rằng
Amazon là một công ty tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử với nhiều
phương thức khác nhau, nhưng có lẽ một trong những cuộc cách tân vĩ đại nhất
chính là hệ thống đề xuất được cá nhân hóa – đã hình thành dựa trên dữ liệu lớn
được thu thập từ hàng triệu giao dịch của khách hàng. Các nhà tâm lý học nói về
sức mạnh của sự gợi ý – đặt trước mặt ai đó một thứ gì đó mà họ thích và họ sẽ
khó mà vượt qua được sự khao khát đang bùng cháy mãnh liệt nên sẽ mua nó, bất
kể nó có đáp ứng được bất kỳ nhu cầu thực tế nào hay không. Tất nhiên, đây cũng
chính là cách thức mà quảng cáo nhắm vào cảm xúc luôn mang lại hiệu quả. Tuy
nhiên, thay vì phương pháp tiếp cận hàng loạt, Amazon đã tận dụng dữ liệu khách
hàng của họ và hoàn chỉnh hệ thống “súng bắn tỉa” nhắm thẳng vào mục tiêu cho
trước một cách mạnh mẽ. Các hệ thống của họ ngày càng phát triển hơn và có vẻ
như những gì chúng ta chứng kiến đến tận ngày hôm nay chỉ là sự khởi đầu. Trong
một động thái được công bố rộng rãi, Amazon hiện đã nhận được bằng sáng chế về
một hệ thống được thiết kế để vận chuyển hàng hóa đến với chúng ta thậm chí
trước khi chúng ta quyết định mua nó – giao hàng theo dự báo. Điều này là một
dấu hiệu rõ ràng rằng sự tự tin của họ trong các phân tích về dự đoán đáng tin
cậy đang tăng dần.
Amazon cũng đã kết hợp phân tích dữ liệu lớn vào các hoạt động chăm sóc khách
hàng của mình. Việc mua lại nhà bán lẻ giày Zappos thường được đánh giá là yếu
tố then chốt của việc này. Kể từ khi thành lập, Zappos đã giành được danh tiếng
tuyệt vời cho dịch vụ khách hàng của mình và thường được tung hô như là công ty
đứng đầu thế giới về khía cạnh này. Phần lớn là do hệ thống quản lý quan hệ
khách hàng tinh vi đã sử dụng rộng rãi dữ liệu khách hàng của riêng họ. Các
phương pháp này được kết hợp với chính công ty của Amazon, sau khi được mua lại
vào năm 2009.
Amazon đã phát triển
lớn mạnh vượt ra khỏi khởi điểm ban đầu của nó như là một nhà sách trực tuyến,
và phần lớn điều này có được là nhờ vào việc áp dụng triệt để các nguyên tắc dữ
liệu lớn và việc sử dụng dữ liệu để cải thiện cách thức vận hành của Amazon.
Uber và cách thức dữ liệu thay đổi các chuyến đi
Uber là một dịch vụ
đặt xe dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh giúp kết nối người dùng là người
cần đi đến một nơi nào đó với tài xế là người sẵn lòng đưa họ đi. Doanh nghiệp
được xây dựng với nền móng vững chắc dựa trên dữ liệu, và việc tận dụng dữ liệu
theo một cách hiệu quả hơn so với những công ty taxi truyền thống đã đóng một
vai trò to lớn trong thành công của Uber.
Toàn bộ mô hình kinh
doanh của Uber là dựa vào những quy tắc dữ liệu lớn từ nguồn lực cộng đồng
(crowd sourcing); bất kỳ ai có một chiếc xe và sẵn lòng giúp đỡ người khác
trong việc di chuyển có thể thực hiện công việc này. Uber lưu trữ và giám sát
dữ liệu trên từng chuyến đi của người dùng, rồi sử dụng nó để xác định rõ nhu
cầu, phân phối nguồn lực và định giá cước phí. Công ty cũng thực hiện phân tích
chuyên sâu về mạng lưới phương tiện di chuyển công cộng trong những thành phố
mà nó đang phục vụ, để công ty có thể tập trung phủ sóng ở các khu vực được
phục vụ kém và cung cấp các liên kết đến hệ thống xe buýt và tàu lửa.
Uber cũng nắm giữ một
cơ sở dữ liệu khổng lồ của các tài xế trong tất cả thành phố mà nó phục vụ, vì
thế khi có một hành khách yêu cầu một chuyến đi, Uber có thể lập tức kết nối
bạn với tài xế phù hợp nhất. Có một sự khác biệt quan trọng so với dịch vụ taxi
thông thường, đó là khách hàng được tính cước phí dựa trên thời gian của chuyến
đi chứ không phải là khoảng cách đã đi. Công ty đã phát triển một thuật toán để
giám sát các điều kiện giao thông và thời gian chuyến đi ở thời gian thực,
nghĩa là giá cả có thể được điều chỉnh nếu như người đi xe thay đổi lộ trình,
và khi điều kiện giao thông làm cho chuyến đi mất nhiều thời gian hơn. Điều này
khuyến khích nhiều tài xế tham gia vào việc vận chuyển hành khách khi họ thấy
cần thiết, và nghỉ ngơi ở nhà khi nhu cầu đi lại ở mức thấp. Công ty cũng xin
được cấp bằng sáng chế về phương pháp định giá dựa vào dữ liệu này, được gọi là
“surge pricing” (định giá nhảy cóc – điều chỉnh giá cước dựa trên việc kết nối
cung và cầu). Nó chính là một hình thức nâng cao của “dynamic pricing” (định
giá năng động), nếu như bạn muốn gọi như thế – tương tự như hình thức mà những
chuỗi khách sạn và hàng không sử dụng để điều chỉnh giá với mục đích đáp ứng
được nhu cầu khách hàng – mặc dù chỉ đơn giản là tăng giá dịch vụ vào cuối tuần
hoặc trong suốt các kỳ nghỉ, Uber sử dụng mô hình dự đoán để ước lượng nhu cầu
theo thời gian thực.
Uber xử lý nhiều loại
dữ liệu khác nhau. Chẳng hạn như, Uber tự động tính cước phí bằng việc sử dụng
GPS, dữ liệu giao thông và thuật toán của riêng công ty, có thể tạo sự điều
chỉnh dựa vào thời gian mà chuyến đi thường sẽ tiêu tốn. Công ty cũng phân tích
những dữ liệu bên ngoài như các tuyến phương tiện công cộng để lên kế hoạch
phục vụ.
Uber không đơn độc
trong việc sử dụng dữ liệu để cách mạng hóa phương tiện vận chuyển, nó vẫn có
những đối thủ cạnh tranh đưa ra các dịch vụ với quy mô nhỏ hơn (cho đến nay)
như Lyft, Sidecar và Haxi. Nhưng rốt cuộc, công ty thành công nhất thường là
công ty có khả năng sử dụng dữ liệu tốt nhất để cải thiện dịch vụ mà nó cung
cấp cho khách hàng.
Rolls-Royce và cách thức dữ liệu thúc đẩy việc sản xuất đi đến
thành công
Rolls-Royce là nhà sản
xuất các động cơ khổng lồ được sử dụng bởi 500 hãng hàng không và khoảng 150
lực lượng vũ trang. Trong một ngành công nghiệp kỹ thuật cao như thế này, những
thất bại và sai lầm có thể gây thiệt hại hàng tỷ đô la – chưa kể đến sinh mệnh
của nhiều người. Do đó, điều cốt yếu của công ty là khả năng giám sát “tình
trạng sức khỏe” cho sản phẩm của họ để nhận ra các vấn đề tiềm tàng trước khi
chúng thực sự xảy ra. Với tư tưởng đó, Rolls-Royce sử dụng dữ liệu ở ba khu vực
chủ chốt của quá trình hoạt động: thiết kế, sản xuất, và dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng.
Ở phân đoạn thiết kế,
dữ liệu được sử dụng trong mô phỏng sản phẩm để làm mẫu và dự đoán các bộ phận,
động cơ sẽ hoạt động như thế nào trong một vài tình huống nhất định. Như giám
đốc khoa học của công ty, Paul Stein, đã chia sẻ với tôi:
Chúng tôi có nhiều cụm
máy tính công suất lớn được sử dụng trong quá trình thiết kế. Chúng tôi tạo ra
hàng chục terabyte dữ liệu trên mỗi mô phỏng động cơ của mình. Sau đó, chúng
tôi dùng một vài kỹ thuật máy tính phức tạp để xem xét các tập hợp dữ liệu đó
và hình dung xem những sản phẩm cụ thể mà chúng tôi thiết kế là tốt hay xấu.
Thực ra, cuối cùng họ
hy vọng có thể mường tượng ra được cách thức hoạt động của các sản phẩm trong
quá trình sử dụng với tất cả các kịch bản tiềm tàng khác nhau, và họ đã gần như
thực hiện được điều này.
Các hệ thống sản xuất
của công ty đang dần trở nên được liên kết và giao tiếp với nhau theo hướng kết
nối IoT trong môi trường công nghiệp. Công ty tạo ra một khối dữ liệu đồ sộ
trong các quy trình sản xuất của riêng mình. Ví dụ, tại nhà máy mới của họ ở
Singapore, Rolls-Royce đang tạo ra một nửa terabyte dữ liệu sản xuất trên từng
cánh quạt riêng lẻ. Nên khi họ sản xuất ra 6.000 cánh quạt trong một năm, đã có
rất nhiều dữ liệu được hình thành chỉ từ một bộ phận. Dữ liệu này rất hữu dụng
ở nhiều mặt, đặc biệt là kiểm soát, giám sát chất lượng của các bộ phận được
chế tạo.
Về mặt hỗ trợ sau bán
hàng, hệ thống động cơ và chuyển động của Rolls-Royce đều được lắp đặt hàng
trăm bộ cảm biến để có thể thu thập lại từng chi tiết nhỏ về quá trình vận hành
của chúng và báo cáo về bất kỳ sự thay đổi nào theo thời gian thực đến các kỹ
sư ở dưới mặt đất. Công ty sử dụng dữ liệu này để xác định các yếu tố và điều
kiện để quyết định xem động cơ nào cần được bảo trì. Trong một vài trường hợp,
con người thường can thiệp thủ công để tránh hoặc giảm thiểu bất cứ điều gì có
thể gây ra một vấn đề nghiêm trọng, nhưng Rolls-Royce kỳ vọng rằng các thiết bị
điện tử sẽ có thể tự chúng thực hiện những can thiệp này.
Với những động cơ máy
bay dân dụng đáng tin cậy như Rolls-Royce, tầm quan trọng của sự chuyển hướng
này là giữ cho chúng hoạt động ở mức tốt nhất, bằng cách tiết kiệm nhiên liệu
bay và đảm bảo rằng chúng đáp ứng được lịch trình bay của các hãng hàng không.
Bằng việc sử dụng dữ liệu, Rolls-Royce có thể xác định thời gian cần phải bảo
dưỡng trước nhiều ngày hoặc nhiều tuần, vì thế các hãng hàng không có thể sắp
xếp công việc mà không phải khiến cho bất kỳ khách hàng nào phải hủy chuyến
bay. Để hỗ trợ điều này, họ tiến hành phân tích tiếng ồn của các động cơ được
gắn trong máy bay thông qua một lượng lớn dữ liệu thu thập được và truyền thẳng
các thông tin bất thường về mặt đất để phân tích sâu hơn. Ngay khi kết thúc
chuyến bay, các kỹ sư sử dụng toàn bộ dữ liệu chuyến bay để kiểm tra và phát
hiện các thông số dựa trên ngưỡng an toàn để cải thiện hiệu suất. Các kỹ sư tìm
kiếm các điểm bất thường trong dữ liệu, chẳng hạn như các thông số về áp suất,
nhiệt độ và độ rung để xác định khi nào một động cơ cần được bảo dưỡng. Và
trong trường hợp xảy ra sự cố, có được tất cả dữ liệu trong tay nghĩa là công
ty có khả năng xác định mọi thứ đã góp phần tạo ra sự cố. Họ sử dụng những
thông tin này để dự đoán khi nào và ở đâu, vấn đề đó có khả năng lặp lại, và
sau đó đưa thông tin này trở lại quá trình thiết kế – mang lại một quy trình
tuần hoàn trọn vẹn.
Rolls-Royce là một ví
dụ tuyệt vời về công ty sản xuất và chế tạo truyền thống chuyển sang một thời
đại mới của việc cải tiến và năng suất hoạt động được kích hoạt bởi dữ liệu.
Cuối cùng, dữ liệu và việc phân tích đã giúp Rolls-Royce hợp lý hóa quy trình
thiết kế sản phẩm, giảm thời gian phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng,
cũng như hiệu suất của sản phẩm. Mặc dù không có số liệu thống kê chính xác,
công ty cho biết việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này đã giảm thiểu
chi phí “một cách đáng kể”. Như Stein cho biết, “Việc số hóa Rolls-Royce không
còn là vấn đề cần phải tranh luận nữa; vấn đề không phải là liệu nó có xảy hay
không mà là nó sẽ diễn ra nhanh đến mức nào”.